Salman Rushdie: “Tôi chưa bao giờ thấy mình như một hình tượng để ai đó noi theo”

Thứ Bảy, 27/04/2024 07:12

9 tháng sau vụ tấn công bằng dao suýt giết chết mình, vào tháng 5 năm ngoái, Salman Rushdie đã xuất hiện bất ngờ tại buổi dạ tiệc của tổ chức Văn bút Hoa Kì. Giọng ông thều thào và thân hình ông gầy đi rõ rệt, trong khi một bên chiếc kính đã được thay bằng một tròng kính đen. Nhưng bất cứ ai thắc mắc liệu ông có còn là con người hồ hởi ngày xưa hay không thì sẽ ngay lập tức yên tâm, vì những trò đùa ngẫu hứng thì vẫn còn đó.

Cuốn sách mới nhất của ông - The Knife (tạm dịch: Dao) là một bản tường thuật đau lòng về vụ tấn công và hậu quả của nó, nhưng cũng đồng thời là một câu chuyện cảm động sâu sắc về quá trình hồi phục thông qua sự giúp đỡ tận tâm từ vợ mình. Ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Tôi muốn viết một cuốn sách nói về cả tình yêu và lòng thù hận”.

Hồi kí Dao của Salman Rushdie.

Đã gần một năm trôi qua kể từ lần xuất hiện ấy, Rushdie có vẻ đã khỏe mạnh hơn. Tuy vậy ông vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả về mặt thể chất của cuộc tấn công, bao gồm cả những cơn mệt mỏi kinh niên. Một bên miệng của ông hơi nhếch lên khi nói chuyện – đây là kết quả của việc dây thần kinh ở cổ đã bị tổn thương. Tay trái của ông chỉ mới hồi phục một phần, trong khi mắt phải vĩnh viễn không nhìn thấy gì. Thế nhưng may thay phong thái của ông vẫn còn thoải mái, trong khi tâm trí đã nhạy bén hơn.

Ông chia sẻ bản thân đã cân nhắc tựa đề của cuốn sách mới là Con dao đâm vào mắt, ám chỉ đến vết thương nặng nhất của mình, nhưng cuối cùng ông chỉ để nó đơn giản là Dao – một từ có sự sắc nét cũng như mang đến cảm giác đau đớn như hình dạng của nó. Ngoài ra thì Dao cũng có nhiều nghĩa, nó là một loại vũ khí, là một công cụ được dùng trong các loại hình nghệ thuật, nhưng cũng đồng thời là phép ẩn dụ cho sự hiểu biết. Ông nói: “Ngôn ngữ có thể là loại dao cắt xuyên qua sự thật. Tôi muốn sử dụng sức mạnh của văn học - không chỉ trong sách của tôi, mà trong văn học nói chung, để đáp trả lại cuộc tấn công này”.

Suy tư ấy dường như đến từ hư không, rất lâu sau khi mối nguy hiểm đến tính mạng ông dường như đã được giảm bớt. Ở London, nơi Rushdie sống từ khi fatwa được ban hành, ông đã có sự bảo vệ đặc biệt do chính phủ Anh cung cấp. Nhưng ông đã không còn có nó khi chuyển đến New York hai thập kỉ trước. Ông chia sẻ: “Quan điểm về an ninh của nước Mĩ là nếu bạn nghĩ mình gặp nguy hiểm, hãy cầm súng lên hoặc ít nhất là tìm ai đó có súng. Đối với riêng tôi, đó gần như là một loại tự do. Ít nhất nó cho phép ta đưa ra lựa chọn. Khi ấy tôi thấy như mình đang sống một cuộc đời khá bình thường của một nhà văn.”

Hình ảnh mới nhất của Salman Rushdie.

Vào ngày 12/8/2022, tại Viện Chautauqua phía tây New York, thảm kịch bắt đầu. Lưỡi dao đã chém Rushdie 10 nhát. Nó cắt đứt gân và hầu hết các dây thần kinh ở tay trái ông. Nó xuyên qua mắt phải gần não, phá hủy dây thần kinh thị giác. Nó cũng vào cổ, đùi trên bên phải và dọc theo chân tóc, rồi xuyên qua bụng. Rushdie nhớ lại bản thân đã nghĩ hai điều khi nhìn thấy kẻ tấn công lao về phía mình, một là cái chết cuối cùng đã đến với ông, và hai là tại sao điều đó lại đến quá muộn, phải hai thập niên sau khi fatwa được ban hành?

Trong cuốn hồi kí, ông đã viết rằng: “Tôi cảm nhận gã đánh rất mạnh vào hàm bên phải. Nó đã vỡ rồi, tôi nhớ mình đã nghĩ thế. Răng tôi sẽ rụng hết thôi. Lúc đầu tôi nghĩ mình chỉ bị đấm. Nhưng máu bắt đầu chảy ra từ cổ. Khi ngã xuống, tôi thấy những chất lỏng bắn tung tóe vào áo sơ mi của mình. Ngoài ra cũng có một vết dao sâu ở tay trái tôi, làm đứt toàn bộ gân và hầu hết dây thần kinh. Có ít nhất hai vết đâm sâu nữa ở cổ – một vết chém ngang qua đó và nhiều vết khác bên phải – và một vết khác ở xa hơn trên mặt tôi, cũng ở bên phải.”

Ông viết: “Tôi nhớ mình nằm trên sàn và nhìn vũng máu lan ra. Nhiều máu quá, tôi nghĩ. Và rồi tôi nghĩ: Mình sắp chết […] Gã ta đâm đâm chém chém một cách điên cuồng, con dao lao về phía tôi như thể nó có sự sống riêng vậy. Tôi ngã ra sau, cố gắng tránh gã, vai trái đập mạnh xuống đất khi tôi ngã xuống”.

Khi đó mọi người đổ xô đến giúp đỡ ông, mà người đầu tiên là Henry Reese, 73 tuổi, người đang phỏng vấn tác giả trên sân khấu và cũng bị một vết dao nông cũng như mắt phải bị bầm tím nặng khi giữ chặt con dao của kẻ tấn công. Rushdie viết: “Nếu không có Henry và khán giả, tôi đã không ngồi đây viết những dòng chữ này. Buổi sáng ở Chautauqua đó tôi gần như đồng thời trải qua cả điều tồi tệ nhất và điều tốt đẹp nhất của con người.”

Trong một tiết lộ đáng kinh ngạc, Salman thú nhận đã mơ thấy một cuộc tấn công chỉ vài ngày trước cái thảm kịch ấy, trong đó ông đang vùng vẫy trong đấu trường La Mã, điên cuồng tránh một người đàn ông cầm giáo. Ông mô tả giấc mơ của mình sống động đến nỗi vợ ông, nhà thơ Rachel Eliza Griffiths, đã đánh thức ông và trấn an rằng ông chỉ mơ thôi. Ông viết: “Phía khán đài đang gào thét đòi máu. Tôi đang lăn lộn trên mặt đất, cố gắng tránh né những cú đâm xuống của một đấu sĩ.

Ông nói trước cuộc tấn công, bản thân đã có một ý tưởng mới cho cuốn sách kế tiếp. Nhưng ông nhận ra cho đến khi mình giải quyết được vấn đề này, thì bản thân sẽ không thể viết được điều gì khác. Trong cuốn sách này, có một đoạn văn dài trong đó Rushdie tưởng tượng mình đang thẩm vấn kẻ tấn công, nhưng ông không bao giờ nhắc đến tên hắn. Chính xác thì những gì ông cảm thấy bây giờ không phải là tức giận.

Ông bày tỏ: “Nếu tôi chú ý đến nó, có lẽ tôi sẽ tức giận. Nhưng điều đó sẽ đưa tôi đến đâu chứ? Chẳng tới đâu cả. Và nó cũng trở thành một cách để tôi cứ mãi luẩn quẩn trong vòng tròn ấy, kiểu bị chiếm hữu bởi cơn cuồng nộ.” Rushdie cho biết bác sĩ trị liệu đã giúp đỡ mình rất nhiều vì ông rất khó chia sẻ những điều thầm kín với người khác ngay từ rất nhỏ. “Đôi khi bạn không biết mình kiên cường đến mức độ nào cho đến khi câu hỏi được đặt ra, cho đến khi bạn buộc phải đối mặt với những điều rất khó khăn.”

Rushdie cho biết mình luôn muốn được coi là một tiểu thuyết gia trước hết. Nhưng ông luôn cảm thấy - ngay cả trước khi có fatwa - nghĩa vụ phải tham gia vào các vấn đề xã hội. Trong nhiều năm qua, ông đã giữ chức chủ tịch Văn bút Hoa Kì và luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh vì quyền tự do ngôn luận. Năm ngoái ông được tổ chức này vinh danh vì “những gì ông đã đại diện và tiếp tục đại diện, cũng như những gì mà tổ chức này hướng tới về cơ bản là tự do”. Nhưng Rushdie nói rằng anh ấy không coi mình là biểu tượng của bất cứ điều gì.

Ông nói: “Tôi chưa bao giờ thấy mình như một hình tượng để ai đó noi theo. Tôi cảm thấy - bạn biết đấy, chỉ là tôi thôi.” Ông cười. “Tôi chỉ là một người đang cố gắng trở thành một nhà văn, cố gắng làm hết sức mình. Và đó là tất cả những gì tôi từng mong muốn trở thành.”

Vào tháng 6, Rushdie sẽ bước sang tuổi 77, bằng tuổi cha mình khi ông qua đời, một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của bất kì ai. Trong trường hợp của ông nó được phóng đại bởi trải nghiệm gần đây của mình. “Tôi đã đến rất gần cái chết,” ông nói. “Và khi bạn đã đến gần đến mức đó, khi bạn nhìn kĩ nó, nó sẽ ở lại với bạn. Nó ở ngay phía trước tôi hơn bao giờ hết.” Tuy nhiên ông không sợ hãi. “Bạn đã bao giờ xem vở nhạc kịch Spamalot chưa? Có một chiếc xe cút kít chở các nạn nhân của bệnh dịch hạch được đẩy ngang qua sân khấu. Và khi đến giữa sàn diễn, tất cả đều nhảy ra khỏi xe và hát câu này: ‘Tôi vẫn chưa chết’.”

NGÔ THUẬT PHÁT dịch từ The Independent

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)