Dòng chảy

Triệu Đại, người tường thuật Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng ảnh

Chủ Nhật, 05/05/2024 09:41
Không thể kể hết những tấm ảnh lịch sử về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã được các phương tiện truyền thông đăng tải mà phần tác giả được ghi là “TTXVN” hay “Ảnh tư liệu”, thế nhưng phần lớn trong số đó đều là của NSNA Triệu Đại. Triển lãm “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” khai mạc tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sáng 3/5/2024 đã khiến người xem ngỡ ngàng trước những bức ảnh quen thuộc bao lâu nay hoá ra đều của cùng một tác giả, điều đó cho thấy tầm vóc của một nghệ sĩ - chiến sĩ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Không chỉ bức ảnh nổi tiếng Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát mỗi khi nói đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ người ta thường nghĩ đến, hàng nghìn bức ảnh của Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Triệu Đại là một kho tư liệu khổng lồ quý giá về Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước. Những bức ảnh của ông đã như một thiên anh hùng ca, như tường thuật bằng ảnh một cách chi tiết về 56 ngày đêm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm của Pháp bởi những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Bức ảnh Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát của NSNA Triệu Đại đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh của Triệu Đại do gia đình nghệ sĩ cung cấp.

70 bức ảnh được lựa chọn giới thiệu tại triển lãm có nhiều bức ảnh quen thuộc với công chúng mỗi khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng cũng có nhiều bức ảnh lần đầu được công bố. Đây là bộ ảnh chiến tranh duy nhất được chụp từ lúc họp bàn và mở màn chiến dịch cho đến ngày chiến dịch toàn thắng, do một người chụp duy nhất đó là nghệ sĩ, chiến sĩ Điện Biên Phủ Triệu Đại.

Lý giải điều này, Đạo diễn Triệu Tuấn, con trai của NSNA Triệu Đại nói rằng, vì bố ông được giao chụp diễn biến Chiến dịch tại Điện Biên Phủ, một vài nhiếp ảnh gia khác cũng tham gia Chiến dịch nhưng thực hiện nhiệm vụ ở những khu vực khác, ở những tuyến giao thông, dân công hỏa tuyến vòng ngoài. Một mình ông, bằng sự quả cảm, dấn thân của mình đã sở hữu gia tài quá lớn, ôm trọn cả chiến dịch là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng tên ông hòa vào niềm vui chung của đất nước, những bức ảnh ông chụp đã thành tài sản chung, ông cầm máy như một nhiệm vụ của người lính ra trận. Có thể nói những giây phút trọng đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ đều được ghi vào ống kính Triệu Đại.

Đạo diễn Triệu Tuấn, con trai NSNA Triệu Đại phát biểu tại Lễ khai mạc triển lãm. Ảnh: GĐCC

Ngoài những bức ảnh cuộc họp triển khai phương án đánh Điện Biên Phủ của Bộ Chỉ huy Chiến dịch hay bức ảnh đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ - Lá cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, còn rất nhiều những khoảnh khắc quý giá khác đã được Triệu Đại ghi lại. Tại triển lãm, người xem bất ngờ trước bức ảnh ghi lại phát đạn pháo khai hỏa mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc 17 giờ 05 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954 mới được công bố, hay bức ảnh ghi lại thời khắc quân ta qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm giải phóng Điện Biên Phủ, thời khắc Lá cờ Quyết chiến quyết thắng cắm trên Đồi Him Lam để rồi 56 ngày sau, cũng lá cờ ấy đã tung bay trên nóc hầm Đờ Cát trong niềm vui chiến thắng, và những cảnh xung phong đánh chiếm các cứ điểm quan trọng của bộ đội ta…

Bộ đội xung phong đánh chiếm Cứ điểm Him Lam trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/31954 Ảnh: Triệu Đại

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920, tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo ở Hà Nội. Từ năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông cùng các đồng chí của mình sơ tán về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây. Hiệu ảnh "Triệu Đại ảnh quán" của ông cũng là Trụ sở nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lê Nin và ông là Bí thư Đảng bộ đầu tiên ở Đô thị Vân Đình lúc bấy giờ. Cuối năm 1947, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhận nhiệm vụ phóng viên nhiếp ảnh. Triệu Đại là phóng viên mặt trận tại Chiến dịch Biên Giới 1950, sau đó ông tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952... Năm 1953, ông chụp ảnh bộ chính trị họp Chiến khu Việt Bắc quyết định mở chiến dịch Tây bắc.

Sau đợt chỉnh quân chính trị, ông được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động “đi chiến dịch Trần Đình", mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ chính của ông tại Chiến dịch Điện Biên Phủ là phóng viên nhiếp ảnh mặt trận. NSNA Triệu Đại là một trong số ít phóng viên được vinh dự tham gia tác nghiệp tại mặt trận Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu của chiên dịch. Với chiếc máy ảnh Contax, chiến lợi phẩm quân ta thu được của Pháp từ Chiến thắng Nà Sản (Chiến dịch Tây bắc năm 1952). Phóng viên Triệu Đại đã dũng cảm băng mình dưới mưa bom, bão đạn của địch, ghi lại hàng trăm khoảnh khắc của bộ đội, dân công hỏa tuyến, nhân dân các dân tộc Tây bắc chiến đấu anh dũng giải phóng Điện Biên, đặc biệt các hình ảnh đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch trong những ngày tại Điện Biên Phủ. Nếu nói về mức độ nguy hiểm thì sự ông đã nhận về mình sự hiểm nguy có thể còn hơn các chiến sĩ khi xông pha dưới bom đạn. Tinh thần xả thân lao động ấy đã giúp ông thu về số lượng ảnh đồ sộ, nhiều tấm nhìn nội dung ảnh cũng có thể hình dung mức độ nguy hiểm của người chụp, như tấm quân ta xung phong đánh chiếm Đồi Him Lam trong ràn rạt xác quân địch và bão đạn thù, hay như tấm đánh chiếm Đồi A1, một cứ điểm hao tổn binh lực và có thể nói là màn đấu trí căng thẳng nhất trong toàn bộ Chiến dịch, bằng sự dũng cảm của mình, Triệu Đại đã không bỏ qua những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Quân ta không quản hi sinh tiến lên tấn công Đồi A1. Ảnh: Triệu Đại

Một trong những thuận lợi của gia đình trong việc lưu giữ những tác phẩm của Triệu Đại đó là nhiếp ảnh đã thành nghề gia truyền. Những người làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh tại Hà Nội những năm chín mươi không thể không biết đến hệ thống LAB chuyên in tráng ảnh màu Triệu Tuấn. Đó chính là sự kế thừa tiệm ảnh của người cha Triệu Đại trong Công viên Thống Nhất những năm bảy mươi, tám mươi, sau khi NSNA Triệu Đại nghỉ hưu tại Báo Quân đội nhân dân. Sáu người con của NSNA Triệu Đại sau này đều theo nghiệp bố, không những thế, tất cả dâu rể trong nhà cũng đều cầm máy, đứng buồng tối làm ảnh. Gia tộc nhiếp ảnh Triệu Đại chính là cơ sở để bảo tồn những tác phẩm của ông một cách tốt nhất. Ông Triệu Tuấn nói rằng, ở thời điểm kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là lúc các cháu của NSNA Triệu Đại đã trưởng thành, có thể cảm nhận một cách sâu sắc những gì ông mình đã làm, đã cống hiến cho đất nước bằng sự nghiệp nhiếp ảnh, hòa trong niềm vui chung của cả nước, gia đình quyết định cùng với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lựa chọn 70 bức ảnh từ kho lưu trữ quốc gia và từ nguồn lưu trữ của gia đình để tổ chức triển lãm này.

Đánh giá về những đóng góp của NSNA Triệu Đại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh đó là chiến công của Triệu Đại...". Các con của NSNA Triệu Đại cho biết, với bảy mảnh đạn trong đùi và một viên đạn bắn sượt qua đầu bay một mảng xương sọ nhưng sau Chiến dịch Điện Biên Phủ ông vẫn may mắn trở về. Với vị phóng viên ảnh của Báo Quân đội nhân dân, sau này Triệu Đại đã tham gia hầu hết các chiến dịch lớn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và NSNA Triệu Đại. Ảnh gia đình nghệ sĩ cung cấp

Cả cuộc đời ông đã cống hiến cho nhiếp ảnh chiến tranh cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trên mặt trận báo chí, văn học nghệ thuật. Những bức ảnh của phóng viên chiến trường Triệu Đại về chiến thắng Điện Biên Phủ đã đem lại cho ông Giải thưởng Nhà nước đợt một năm 2001, nhưng quan trọng hơn, nó là thiên sử thi bằng ảnh sống mãi cùng lịch sử, cùng đất nước, là niềm tự hào về một Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Một số hình ảnh tại Triển lãm "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ":

Bên cạnh những bức ảnh lịch sử quen thuộc về Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều bức ảnh của Triệu Đại chụp trong Chiến dịch lần đầu tiên được công bố.
Khách tham quan Triển lãm "Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ".
Điểm nhấn tại Triển lãm là bức ảnh dài 7 mét toàn cảnh Tập đoàn Cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp sau khi bị ta tiêu diệt.
Bức ảnh toàn cảnh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Triệu Đại chụp 7 kiểu ghép lại ngay sau khi Chiến dịch kết thúc.
Phát pháo khai hỏa Chiến dịch mở màn trận đánh Đồi Him Lam chiều 13/3/1954 đã được NSNA Triệu Đại ghi lại.
Quân ta vượt cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm chiều 7/5/1954.

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ quan sát Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ Đồi E1.

Bức ảnh chụp quân Pháp qua cầu Mường Thanh ra hàng sau khi ta chiếm khu trung tâm được Triệu Đại chụp ghép hai kiểu. 
Ảnh của NSNA Triệu Đại do gia đình nghệ sĩ cung cấp.
THIỆN NGUYỄN
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)