Dòng chảy

ĐIỆN BIÊN - VINH QUANG VÀ MẤT MÁT - Bài 5

Chủ Nhật, 05/05/2024 07:49

Bài 5: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ

Trong sự nỗ lực tìm kiếm các nhân chứng lịch sử từng gắn bó, xây dựng Nông trường Điện Biên thời kì đầu hiện vẫn sinh sống tại Điện Biên, chúng tôi đã kết nối được với một số nhân vật, tất cả các cụ đều đã ở tuổi xưa nay hiếm. Trong họ vẫn còn nguyên những kỉ niệm về một thời tuổi trẻ gắn với mảnh đất Điện Biên.

Cùng loạt bài:

Bài 1: Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Bài 2: Chứng tích Noong Nhai còn đó

Bài 3: Khát vọng nở hoa nơi chiến địa

Bài 4: Những nốt trầm Điện Biên

Bài 5: Nhìn dấu xưa thương nhớ thời tuổi trẻ

Bài 6: Cần lưu giữ kí ức của một thế hệ Điện Biên

ĐÂY ĐÓ NHỮNG NGƯỜI XƯA

Khu vực trung tâm của Nông trường Điện Biên năm xưa thuộc huyện Điện Biên ngày nay. Tại đây vẫn còn rất nhiều những gia đình cán bộ, công nhân nông trường và thế hệ con cháu họ sinh sống. Ngày trước nông trường chia thành các đội sản xuất, phiên từ Đại đội của đơn vị Quân đội sang nên các đội vẫn gọi là các C. Từ C3, C4, C7, C9… là tên của các đội sản xuất giờ chuyển thành tên gọi của các thôn.

Cựu chiến binh Trần Văn Đáp và cổng Thôn C9, Thôn Chăn Nuôi 2 đặt theo tên các đội sản xuất của Nông trường Điện Biên khi xưa. Ảnh: PV và CTV

Ông Trần Văn Đáp vốn là chiến sĩ Điện Biên đánh sân bay Hồng Cúm trước đây, đến năm 1958, khi cùng đơn vị về xây dựng nông trường ông lại được phân công về đúng khu Hồng Cúm. Ông còn nhớ khi đó là ngổn ngang bom mìn do địch cài xung quanh cứ điểm để đối phó quân ta tấn công. Cùng với đó là hệ thống dây thép gai chằng chịt. Cả khu vực rộng lớn chỉ có vài nếp nhà đơn sơ của đồng bào dân tộc Thái. Đơn vị ông đã phải rà phá bom mìn, dọn dẹp sạch để lấy đất sản xuất. Khu vực này sau đó là Đội sản xuất số 6 nằm ở Tây Hồng Cúm, là nơi năm 1959 nhà văn Nguyễn Khải đã về thực tế viết truyện ngắn Mùa lạc, tác phẩm nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa sau này.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Lê Đăng Điệng, nguyên cán bộ Nông trường Điện Biên trước đây theo sự giới thiệu của Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên. Ông Điệng trước đây là Trưởng phòng Tổ chức - Kế hoạch của Nông trường Điện Biên. Thật không may khi ông Điệng mới mất năm 2022. Con trai út của ông Lê Đăng Điệng là anh Lê Ngọc Hoàn cho biết, ông Lê Đăng Điệng bố anh sinh năm 1933 nhưng trong hồ sơ là 1935, quê ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông nhập ngũ vào Sư đoàn 316 rồi lên chiến đấu ở Điện Biên. Năm 1958 ông cùng đơn vị về lại Điện Biên lập nông trường. Sau đó ông Điệng bén duyên với bà Hoàng Thị Mơ, quê ở Giao Thủy, Nam Định, là thanh niên xung phong lên Điện Biên làm công nhân nông trường. Sau này bà Mơ làm công tác công đoàn còn ông Điện được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Tổ chức - Kế hoạch. Như nhiều cặp đôi khác, họ cưới nhau và sinh sống tại Điện Biên, chọn nơi đây là quê hương thứ hai. Sau này ông Điệng chuyển ra làm Giám đốc Nhà nghỉ Công đoàn Điện Biên, thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông nghỉ hưu năm 1991.

Ông Lê Đăng Điệng và bà Hoàng Thị Mơ ngày mới cưới và năm 2022. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Hoàng Thị Mơ, vợ ông Điệng sinh năm 1949, hiện vẫn còn khỏe mạnh. Con cái trưởng thành, ông bà sống riêng trong căn nhà tại Khu tái định cư số 1, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ. Sau khi ông mất bà ở một mình tại đây. Ông bà có 3 người con, đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Con gái đầu của ông bà là chị Lê Thị Hà, sinh năm 1972, là giáo viên nghỉ hưu tại TP. Điện Biên Phủ. Con gái thứ hai là chị Lê Thị Tuyết Hường, sinh năm 1974, hiện là Hiệu trưởng Trường mầm non xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Anh Lê Ngọc Hoàn là con út, sinh năm 1984, hiện là Chủ tịch xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Ở các xã của huyện Điện Biên hiện nay đều còn các cụ người của nông trường, là chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Anh Hoàn cho biết, tại xã Pom Lót do anh làm Chủ tịch hiện có 48 cụ là đối tượng người có công, thanh niên xung phong, đối tượng được hưởng hỗ trợ của nhà nước.

VÀ NHỮNG XÓM NÔNG TRƯỜNG

Tôi lại tìm đến xã Thanh Xương, khu vực thôn Chăn Nuôi 2, nơi hiện nay vẫn còn nguyên khu gia đình của cán bộ, công nhân Nông trường Điện Biên năm xưa. Những hộ gia đình này được nông trường cấp đất về đây ở từ năm 1976. Có những gia đình nhiều thế hệ ở gắn bó với nông trường, như gia đình ông Lại Văn Năm, chiến sĩ 316 thế hệ đầu, đến đời con ông, anh Lại Văn Quỳnh vẫn tiếp tục làm việc tại nông trường, đến đời cháu, anh Lại Văn Huỳnh, cũng đóng bảo hiểm tại Công ty của bố, tức là Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên hiện nay. Ông Năm vốn là chiến sĩ của Tiểu đoàn Công binh 34, Sư 316. Ông vẫn nhớ những ngày mới quay về xây dựng Điện Biên, mảnh đất sau đó đã gắn bó với ông suốt phần đời còn lại. Chiến dịch Điện Biên Phủ ngốn không biết bao nhiêu bom đạn trước đó, lòng chảo Điện Biên bị cày xới đến từng ngọn cỏ, bom đạn vẫn ẩn trong đất đai dày đặc, xen kẽ với đó là hàng loạt dây thép gai giăng mắc. Ngày nào cũng có tiếng bom đạn nổ, không chết người thì cũng chết trâu bò của dân. Các đơn vị bộ đội được lệnh rà phá, tiêu hủy bom mìn để trả lại cho Điện Biên sự bình yên. Đơn vị ông đóng ngay dưới chân đồi A1, vỡ đất trồng bí đỏ, trồng các loại nông sản. Cuộc sống sinh hoạt lặp đi lặp lại bài ca cá khô, rau tàu bay ăn với ngô bung. Sau đó đại đội ông lại nhận nhiệm vụ gỡ mìn ở sân bay Hồng Cúm. Trung đội ông rất đông, lên đến 60 người, đa phần là chiến sĩ Điện Biên trước đây, và ông là một trong số đó. Đến cuối năm 1958, khi bom mìn đã được dò gỡ tạm ổn thì trên có chủ trương thành lập Nông trường Điện Biên, cùng với rất nhiều nông trường trên cả nước có nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Đơn vị lại chuyển sang giai đoạn đánh gốc bốc trà, san lấp tạo mặt bằng để trồng trọt. Một lễ hạ sao chuyển đổi từ bộ đội sang công nhân nông trường đã được tiến hành. Những anh bộ đội cầm súng giờ đây chuyển sang cầm cuốc, là nòng cốt trong chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Lại Văn Năm, bà Lưu Thị Tấm và người con gái thứ hai Lưu Thị Liễu. Ảnh: Thành Duy

Ông Lại Văn Năm quen và cưới bà Lưu Thị Tấm, là người cùng quê theo chú lên làm công nhân nông trường. Làm việc tại Nông trường Điện Biên, ban đầu ông bà được phân nửa gian trong khu tập thể ở khu vực nông trường cà phê, sau đó ông bà và một số hộ gia đình bộ đội - công nhân khác được phân về đây ở, gọi là Khu Chăn nuôi 2. Đến năm 1982 ông Năm mới nghỉ hưu trên cương vị đội trưởng đội sản xuất. Khu nhà ở công - nông năm xưa nay vẫn còn đó, đều tăm tắp, đường xá sạch sẽ gọn gàng. Tên gọi cũng vẫn là khu Chăn nuôi 2 như thuở nào. Có mặt tại đây chúng tôi cảm giác như sờ nắn được những gì thuộc về lịch sử. Đặc biệt là khi được tận tay chạm vào những kỷ vật ngày cưới của ông bà, những kỉ vật đơn sơ nhưng sau 62 năm vẫn được giữ gìn cẩn trọng. Ông Năm lấy cho chúng tôi xem vỏ quả đạn pháo nặng hàng chục cân vốn trước đây ông bà dùng để gò lưỡi cuối, lưỡi xẻng cho sắc để đi làm. 70 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ nó nằm đó trong góc nhà của một chiến sĩ Điện Biên. Bên cạnh những xe tăng, xe bọc thép, súng pháo hiện vật lớn tại các di tích lịch sử ở Điện Biên vẫn có những hiện vật nhỏ bé và bình dị như vậy để nhắc nhớ về quá khứ oai hùng cùng những tháng ngày tươi đẹp trên Nông trường Điện Biên của hàng nghìn người lính, thanh niên xung phong, công nhân về xây dựng Điện Biên.

Cách nhà ông bà Lại Văn Năm - Lưu Thị Tấm vài hộ là gia đình ông Nguyễn Văn Khả. Ông Khả sinh năm 1930 tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Dù đã 94 tuổi, tai nghe đã kém nhưng mắt ông còn tinh, ông vẫn có thể đọc báo bình thường, chỉ tai là hơi lãng. Khi quay về Điện Biên xây dựng nông trường ông được giao về Đội 13 ở đầu sân bay Hồng Cúm, vẫn là địa bàn khi xưa đơn vị chiến đấu. Ông Khả cưới vợ ở quê năm 1950, trước khi nhập ngũ. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Hiệp, sinh năm 1932. Ngày ấy việc đi lại còn khó khăn, từ Điện Biên Phủ ra đến Tuần Giáo đã mất ba ngày, còn nếu về Hà Nội thì có khi mất cả tháng trời. Năm 1958, ông Khả đưa vợ lên Điện Biên đoàn tụ, xây dựng cuộc sống mới. Ông bà có tất cả 6 người con, tất cả đều được sinh ra tại Điện Biên. Con cả của ông bà là anh Nguyễn Thế Khương, sinh năm 1959, sau này đã nối nghiệp bố mẹ làm việc tại Nông trường Điện Biên.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả cùng gia đình người con trai út Nguyễn Văn Hoàn. Ảnh: Thành Duy

Năm 1998, sau khi phiên hiệu Nông trường Quốc doanh Điện Biên không còn, Ban liên lạc Trung đoàn 176, là đơn vị tiền thân của Nông trường Quốc doanh Điện Biên đã được ra mắt và đi vào hoạt động do các cựu chiến binh - công nhân tập hợp nhau lại. Thời điểm mới thành lập, Ban liên lạc này đã quy tụ gần 600 thành viên là những người đang cư trú tại 13 xã, phường trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ban liên lạc Trung đoàn 176 cũng đã làm được nhiều việc ý nghĩa, từ việc phối hợp tìm kiếm hài cốt của những người nguyên là cán bộ, công nhân nông trường hi sinh trong chiến đấu đến xác minh, chứng thực làm cơ sở đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp cho những cựu thanh niên xung phong. Đây cũng là nơi lưu giữ truyền thống của Nông trường Điện Biên. Tiếc rằng, cùng với tuổi cao sức yếu, các thành viên cũng thưa vắng dần, việc sinh hoạt, gặp mặt vì thế cũng không còn được duy trì thường xuyên. Tại Điện Biên hiện nay một số con em cán bộ Nông trường Điện Biên cũng vẫn kết nối với nhau, lập thành nhóm trên zalo, facebook, họ vẫn đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, thi thoảng gặp mặt nhắc lại kỉ niệm xưa, cùng nhớ về cái nôi tuổi thơ của họ. Những con em nông trường luôn tự hào trước công lao, sự cống hiến của các bậc cha chú tiền bối cho Điện Biên, quyết tâm phấn đấu xây dựng Điện Biên hôm nay giàu đẹp.

Các chiến sĩ Điện Biên - cựu công nhân Nông trường Điện Biên tổ chức gặp mặt truyền thống năm 2013. Ảnh: TL

Trước những mảng kí ức thật đẹp còn tươi màu đất của những ngày khai thiên lập địa, thật khó để kết nối giữa Nông trường Điện Biên của hôm qua với Công ty CP chế biến nông sản Điện Biên hôm nay cả trong ý nghĩ của tôi và cả trên thực tế. Người chở chúng tôi về TP. Điện Biên Phủ chính là cháu nội của ông Lại Văn Năm. Lại Văn Huỳnh, cháu nội của ông Năm là người hiện tại đóng bảo hiểm xã hội ở công ty ấy nhưng công việc chính của anh là lái xe taxi chở khách. Công ty làm ăn bết bát, ruộng cho thuê mấy năm trước dân cũng kêu ca, khóc lóc kiến nghị khi phải đóng phí quá cao, họ đổ công đổ sức canh tác mà sau khi nộp cho công ty thì chả còn gì, nên mọi thứ thực chất chỉ còn duy trì bộ máy, việc sản xuất chẳng như xưa. Cánh đồng Mường Thanh trước đây đồng bào dân tộc chỉ cấy một vụ, từ khi có Nông trường Điện Biên, có công trình thủy lợi Nậm Rốm - Pá Khoang với hệ thống kênh dẫn nước tưới đã cấy được hai vụ. Cánh đồng rộng nhất Tây bắc ngập tràn sắc xanh của những thửa ruộng đang vào đòng. Ẩn dưới những gốc lúa là những câu chuyện của lịch sử, những tiếc nuối về một thời tuổi trẻ tươi đẹp không trở lại.

NHÓM PV VNQĐ

(Còn nữa)

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)