Dòng chảy

“Con đường văn sĩ”: khi nhật ký trở thành tác phẩm văn chương

Thứ Ba, 30/04/2024 15:36

 Từ lâu, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã trở nên quen thuộc với bạn đọc. Những trang viết trung thực và tâm huyết của ông đến nay đã được công bố nhiều lần dưới nhiều hình thức. Những ấn phẩm ấy đã giúp cho việc tìm hiểu về nhà văn cũng như thời đại mà ông đã sống một cách rõ ràng hơn, thấu suốt hơn.

Để giúp bạn đọc đến gần hơn với nhà văn và thời đại mà ông đã sống và cống hiến, cũng là một cách để nhấn mạnh hơn vào những trang nhật ký thấm đẫm chất nhân văn, chất đời của ông, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra mắt bạn đọc cuốn sách Con đường văn sĩ. Cuốn sách tập hợp những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết trong giai đoạn 1938-1945, do nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai của nhà văn biên soạn. Sáng 24/4/2024 tại Hà Nội, Nhà xuấ bản Kim Đồng đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách đến đông đảo bạn đọc.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong bước đầu đến với văn chương coi viết nhật ký là rèn luyện cách viết văn. Cuốn nhật ký vì vậy hấp dẫn bởi cách viết ngắn gọn nhưng sống động, chi tiết chân thực giàu cảm xúc. Những trang nhật ký riêng tư của Nguyễn Huy Tưởng là những tư liệu quý giá, về đời sống xã hội, đời sống công chức và phần nào phác họa bức tranh văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.

Tại buổi giới thiệu cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: “Tôi tiếp cận nhật ký của cha từ rất sớm. Khi vừa biết nhận thức tôi đã được đọc những trang nhật ký với nét chữ nhỏ vì tiết kiệm giấy mà cha để lại. Sau khi cha mất, mẹ để bản thảo, di cảo, ảnh kỷ niệm của cha trong một chiếc tủ. Có 30 tập nhật ký được lưu lại suốt cuộc đời ông. Cha mất lúc tôi mới 5 tuổi, nên nhật ký là cánh cửa mở ra để tôi đến với thế giới của ông. Những trang nhật ký hiện lên chân dung ông từ khi 18 tuổi. Đó là những năm đầy biến động, cùng thời ông có nhiều sự kiện, nhiều nhân vật lịch sử. Cha góp phần mình vào đó. Ông là một nhà văn tình cảm, giàu nhiệt huyết. Qua những trang nhật ký ta cũng thấy được phẩm chất văn chương của ông, người mang bầu nhiệt huyết lớn và sẵn sàng trả giá cho lựa chọn của mình”.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn chuyên nghiệp, một nhà cách mạng nhưng văn phong của ông rất giản dị. Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khao khát cống hiến nhưng cũng đầy băn khoăn tìm đường, Nguyễn Huy Tưởng chọn nhật ký là nơi vừa giãi bày vừa luyện viết. Những trang nhật ký được viết trong suốt những năm 1938 đến 1945 thời điểm trước Cách mạng tháng Tám bùng nổ là những trang tư liệu chân thực để tìm hiểu về con đường lập thân lập nghiệp của người thanh niên - công chức sở Thuế quan để trở thành nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Huy Tưởng. Đồng thời là những nét phác họa chân thực một thế hệ nhà văn tiền chiến, những trang sử quý giá về các hoạt động cách mạng và yêu nước trước Cách mạng tháng Tám của trí thức tiểu tư sản thành thị. Cũng qua những trang nhật ký này bạn đọc biết thêm về các văn nghệ sĩ cùng thời với ông, bạn bè của ông cùng với bối cảnh sống và con người của ông.

"Nhờ những trang nhật ký của cha mà tôi hiểu thêm được rất nhiều điều về ông, từ tính cách, con người, những hoài bão, mong muốn cho đến tình yêu thương mà ông dành cho mẹ con tôi", nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng xúc động chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là người rất tận tâm với nghề, với ông văn chương là quan trọng nhất. Cuốn sách lựa chọn giai đoạn 1938-1945 trong nhật ký của ông để giới thiệu vì đây là lúc ông đã có cuộc sống ổn định và xác định theo nghề văn, nhiều ý nghĩ mưu sinh thoáng qua nhưng rồi ông đã đến với văn chương như cốt lõi của cuộc đời mình. Tên cuốn sách Con đường văn sĩ được lấy theo đoạn nhật ký ngày 15/3/1945 của Nguyễn Huy Tưởng: “Dẫu sao, cũng phải nhất định đi vào con đường văn sĩ. Khơi đào mãi mãi.”

Theo tiến sĩ văn học Đỗ Thanh Nga, người đã có công trình nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì, ông là một con người đầy trăn trở với lẽ sống, với nghề văn, với nhân cách. Trong nhật ký của ông, ta tìm thấy khát vọng của một con người về sáng tạo nghệ thuật. Lời văn trong nhật ký trau chuốt, sâu sắc. Ở đó ta tìm thấy những câu chuyện của lịch sử, của văn chương, tìm thấy bức tranh văn hoá xã hội thời ấy. Qua đây ta cũng biết các nhà văn ngày ấy đã được đào tạo như thế nào trong thời Pháp thuộc. Mối quan hệ giữa các văn nghệ sĩ, chân dung các nghệ sĩ đương thời có tác động đến ông như thế nào...

Cuốn sách gồm 3 phần, phần 1 là những trang nhật ký từ 1938-1939 với các nội dung chính: Đời công chức, Mộng văn chương, Em bé Hàng Vôi, Truyền bá quốc ngữ, Hôn nhân. Phần 2, nhật ký những năm 1940-1943 với các nội dung: Đổi xuống Hải Phòng, Hướng đạo, Tri tân, Đêm hội Long Trì, Mẹ mất. Phần 3 là những trang nhật kí từ 1943 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ với các nội dung chính: Vũ Như Tô, An Tư, Văn hóa Cứu quốc, Tiên Phong. Giữa phần 1 và phần 2 là “Một thiên ký sự” những trang nhật ký về một tháng tân hôn cũng rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Cuốn nhật ký Con đường văn sĩ không chỉ dành cho những ai yêu văn chương nói chung, yêu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng, mà còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cả một bối cảnh văn hoá xã hội ngày đó đã hiện diện rất chân thực, sống động qua những trang viết của ông, mối quan hệ giữa các văn nghệ sĩ tên tuổi cũng được khắc họa rõ nét, chân thật. Cũng nhờ đó mà chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại và vỡ lẽ ra nhiều điều về văn chương và lịch sử.

Nhật ký và sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng nhất quán trong tư tưởng làm nghề, đó là tìm về lịch sử dân tộc. Ông nổi tiếng với các tác phẩm lớn viết về lịch sử như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô. Các độc giả nhỏ tuổi nhiều thế hệ, yêu quý ông qua các tác phẩm thiếu nhi đặc sắc: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Tìm mẹ, An Tư công chúa, Cô bé gan dạ

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Ảnh tư liệu

Bên cạnh sự nghiệp lừng lẫy thì nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một người chồng, người cha hết sức tình cảm, rất mực yêu thương vợ con. Ông đã có những dòng nhật ký rất ngậm ngùi, sâu sắc khi viết về gia đình của mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng chia sẻ: “Cha tôi là người không bộc lộ tình cảm qua lời nói, từ những trang nhật ký mà mẹ con tôi cũng thấy ấm lòng khi biết cha lo cho mình như thế nào, điều này đã cho tôi một điểm tựa trong suốt cuộc đời mình. Khi gặp những chuyện buồn hay khó khăn, tôi thường nhớ lại tình cảm của cha dành cho mình, và vượt qua được.”

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương khá muộn. Những năm tháng tuổi trẻ, không cam chịu đời viên chức cạo giấy, ông tham gia các phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh ở Hải Phòng; hoạt động Truyền bá quốc ngữ, Hướng đạo sinh. Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật. Tháng 8.1945, Nguyễn Huy Tưởng được cử tham dự Đại hội quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội Văn hóa cứu quốc và là đại biểu Quốc hội khóa 1 năm 1946. Sau 1954, ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

THU HÀ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)