Đoàn dân công đặc biệt

Thứ Bảy, 04/05/2024 00:21

. MAI THÁI SƠN
 

Mặt trời nhô cao, ánh nắng tràn ngập khắp đồi cây. Trong nhà làm việc của ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh hai anh cán bộ trẻ đang đứng nghiêm nhận lệnh, bốn con mắt nhìn thẳng vào hai tấm bản đồ treo trên vách nứa. Lúc lâu, như để lựa lời, ông phó chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh chậm rãi nói:

“Thường trực ủy ban đã cân nhắc kĩ quyết định giao cho hai đồng chí chỉ huy đoàn dân công hỏa tuyến của tỉnh. Đoàn có nhiệm vụ đặc biệt là đưa đàn trâu lên tiếp tế thực phẩm cho bộ đội chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai đồng chí có ý kiến gì không?”

“Báo cáo, không có ý kiến gì, chúng tôi xin nhận và hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ.”

Minh họa: Lê Anh Vân

Nhìn dáng vẻ điềm tĩnh của Lê Phan và Hoàng Sang, ông phó chủ tịch gật đầu hài lòng, bổ sung thêm rằng nhiệm vụ gấp gáp, trong mười ngày đoàn phải đến các làng bản trong tỉnh thu mua hơn một trăm con trâu. Trong vòng năm mươi ngày phải đưa được đàn trâu béo khỏe lên mặt trận.

Đến lúc này ánh mắt người cán bộ trẻ Lê Phan lộ thoáng băn khoăn. Đi mua trâu nhưng trong túi chẳng có một đồng xu cắc bạc nào. Thay vào đó là công văn của ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh giới thiệu anh đến các xã thu mua trâu của bà con phục vụ bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường. Như đọc được suy nghĩ của anh, ông phó chủ tịch lại gần vỗ vai động viên:

“Yên tâm đi, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đặt trọn niềm tin vào chính quyền cách mạng. Mảnh đất chiến khu là nơi đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội, tình cảm quân dân gắn bó keo sơn thắm thiết. Nhiều gia đình có người thân tham gia Vệ quốc đoàn, du kích. Làm tốt công tác dân vận là dân ủng hộ ngay. Mà các đồng chí định đi huyện nào trước?”

Trầm ngâm giây lát, Lê Phan quay sang nhìn Hoàng Sang gật đầu, mắm môi quả quyết:

“Vạn sự khởi đầu nan, chúng tôi chọn Chiêm Hóa. Đây là huyện nuôi nhiều trâu nhất, nổi tiếng với giống trâu ngố, sông Gâm chảy giữa địa bàn nên việc đưa trâu về địa điểm tập kết cũng dễ dàng.”

*

*         *

Bản Làn nằm dưới chân núi. Phía trước dòng suối trong vắt lượn quanh. Nương ngô giữa mùa trổ cờ phấn vàng vương khắp thung lũng. Những nếp nhà sàn ẩn hiện dưới tán lá cọ. Bìa rừng, thấp thoáng bóng trâu trắng trâu đen gặm cỏ.

Ông trưởng bản Làn khoan thai khua một hồi mõ. Tiếng mõ nổi lên giữa không gian tĩnh mịch của núi rừng. Nghe tiếng mõ, bà con lũ lượt kéo đến, đứng ngồi quanh bếp lửa nhà sàn. Râm ran chuyện nhà, chuyện bản, chuyện chiến thắng của quân ta từ các chiến trường đưa về. Suốt mấy tháng nay, các đơn vị bộ đội, dân công bí mật rời hậu phương lên đường ra trận. Không khí náo nức mừng chiến thắng bao trùm các làng bản vùng chiến khu. Đưa mắt lướt nhìn dân bản, ông trưởng bản hắng giọng thông báo rằng ngoài chiến trường bộ đội đang rất cần lương thực thực phẩm để ăn no đánh giặc. Ủy ban vận động dân bản bán trâu tiếp tế thực phẩm cho bộ đội. Yêu cầu trâu phải khỏe đi đường xa và thịt ngon. Khi mua trâu, ủy ban sẽ viết giấy biên nhận cuối năm mới thanh toán. Cũng trong đợt này, trên lấy sáu người ở bản Là đi dân công hỏa tuyến, yêu cầu phải có sức khỏe và thạo đi rừng để đưa trâu lên chiến trường.

Giữ bí mật, Hoàng Sang trao đổi với dân bản thật ngắn gọn rằng đợt này quân ta chiến đấu xa căn cứ, bộ đội phải liên tục hành quân truy kích địch. Bữa ăn chỉ có cơm nắm, muối vừng nên sức khỏe không bảo đảm. Đồng bào bán trâu cho chính phủ là thể hiện lòng yêu nước, giúp bộ đội ăn no, đánh thắng giặc Pháp xâm lược. Khi anh vừa dứt lời, người đàn ông trung niên tên Tung đầu đội mũ nồi, mặc quần áo chàm đứng phắt dậy, cười nhe răng sứt nói:

“Bộ đội ta dũng cảm ra mặt trận chiến đấu chống quân thù. Dân bản chúng tôi quý bộ đội, thương bộ đội lắm, nhà nào cũng muốn được bán trâu tiếp tế thực phẩm cho bộ đội.”

Sau đó là tiếng cười nói hưởng ứng râm ran khắp mấy gian nhà sàn.

Đợi lúc lâu, khi tiếng cười nói giảm dần xuống thì trong góc nhà, chàng trai mới lớn khuôn mặt lấm tấm trứng cá quay sang nhìn cô gái xinh xắn ngồi bên cạnh hỏi ý. Thẹn thò, cô gái gật đầu. Chàng trai đứng dậy ngượng nghịu gãi đầu gãi tai nói một hơi:

“Xin trưởng bản cho cháu với Khen được đi dân công hỏa tuyến đợt này. Nhà chúng cháu xin đăng kí bán trâu, nhưng con trâu đực nhà cháu với con trâu mộng nhà Khen dữ lắm phải có người quen trị mới được.”

Trưởng bản há miệng để lộ hàm răng vàng khè ố khói thuốc lào:

“Thằng Phình mười bảy tuổi đi được rồi nhưng cái Khen năm nay mới mười sáu đã đến tuổi đi dân công đâu. Trường hợp này để tao bàn với cán bộ rồi đến nhà hỏi ý kiến bố mẹ nó xong mới quyết định được.”

Sau đấy mỗi người góp vài ba câu chuyện nữa rồi lục tục ai về nhà nấy. Tiếng cười nói, bàn luận như vẫn còn vang vọng ngấm vào từng chiếc lá trong tít tận rừng sâu…

Sáng sớm hôm sau, sương chưa tan bản Làn đã lốc cốc tiếng mõ trâu. Bãi đất rộng đầu bản lố nhố bóng người. Nhà nào cũng dắt đến những con trâu ngố béo nhất, khỏe nhất. Quàng trên người chiếc túi dết căng phồng đựng quần áo, ông Tung ngoác miệng cười, vừa nói vừa khoe nhà mình xung phong bán hai con trâu, ông xin đi dân công hỏa tuyến đưa trâu lên mặt trận.

Nhìn người đàn ông dân tộc thiểu số mắt sáng, lưng rộng, bàn chân to bè, loăng quăng bên cạnh là con chó săn cao lớn, đuôi quẫy tít mù, Lê Phan mừng thầm. Đúng là một thợ rừng lão luyện. Anh đưa mắt nhìn trưởng bản. Hiểu ý, trưởng bản gật đầu cười. Lê Phan lại gần cầm tay ông Tung lắc mạnh:

“Ủy ban cảm ơn sự đóng góp quý báu của gia đình ông!”

Ông Tung kéo Lê Phan lại kể thêm, đêm qua ông về bảo với vợ, vợ rất vui, bảo cứ đi đi, việc nhà vợ con lo được. Còn dặn ông mang theo con Đốm, nó thuộc đường rừng sẽ giúp cho đoàn nhiều lắm…

Hóa ra việc thu mua trâu thật đơn giản. Không có cân, cán bộ cùng đồng bào lấy dây đo vòng bụng, chiều cao, chiều dài của con trâu rồi ước tính trọng lượng từng con. Lê Phan và cán bộ xã kí xác nhận là xong thủ tục. Cầm tờ giấy có mấy chữ ngoằn ngoèo trên tay, bà con gật đầu. Chẳng ai thắc mắc hỏi han. Sau này, căn cứ vào giấy biên nhận, ủy ban sẽ thanh toán tiền cho đồng bào. Kết quả mua trâu quả thật vượt quá niềm mong đợi của Lê Phan lẫn Hoàng Sang, chỉ một tuần nữa thôi đàn trâu béo khoẻ sẽ được đưa về điểm tập kết…

Nửa đêm cùng ngày, mưa phùn gió bắc, trời rét căm căm. Đoàn dân công đặc biệt lặng lẽ nhằm hướng Tây Bắc xuất hành. Tiếng mõ trâu lốc cốc trong đêm. Mưa to, nước lũ từ các sông suối cuồn cuộn đổ về. Mặt sông Hồng rộng mênh mông, ngầu đục. Quanh bến đò Âu Lâu, máy bay bà già ngày đêm vo ve rình rập. Tránh con mắt soi mói của lũ giặc trời, ban ngày anh chị em dân công vào sâu trong rừng chặt tre nứa. Đêm vừa xuống lại kết bè mảng đưa trâu qua sông. Mưa rét, người nào cũng răng va vào nhau lập cập. Hai đêm vất vả bì bõm bơi lặn, đàn trâu qua sông an toàn.

Để bảo đảm yêu cầu giữ bí mật chiến dịch, đoàn dân công đặc biệt ngày nghỉ, đêm đi. Lần đầu tiên xa nhà, mấy nàng sơn nữ được cả tiểu đoàn đùm bọc. Xuyên rừng, cây đập gai cào quần áo mau chóng rách. Buổi trưa, mấy chị em nhẩn nha ngồi vá quần áo. Khen, cô em út của đội dân công khe khẽ cất tiếng hát. Tiếng hát then tình tứ, ngọt ngào bay bổng giữa núi rừng Tây Bắc khiến ai cũng bâng khuâng nhớ quê nhà. Trên đường hành quân, mỗi dân công được giao chăn dắt năm con trâu, trong đó có trâu nhà mình. Ban ngày, anh chị em buộc trâu trong rừng, nghỉ ngơi, nấu cơm cho người, cắt cỏ cho trâu. Đêm tối, từng nhóm ba người lặng lẽ bám theo nhau dắt trâu xuyên rừng vượt núi cao, suối sâu.

Đêm ấy đang đi trời đột nhiên tối sầm. Ánh chớp xé ngang bầu trời. Mưa to như trút nước. Dốc cao, đường trơn. Đàn trâu đứng lì không chịu bước. Khen, người ướt như chuột lột, bất lực đứng cạnh con trâu ngang bướng. Nhìn thấy Phình chạy xuống, Khen phụng phịu:

“Em chịu không làm sao dắt được con trâu bướng bỉnh này, nó cứ đứng lì ra không chịu bước.”

Lăm lăm cành cây nhỏ trên tay, Phình ưỡn ngực:

“Không sao, em cầm chạc kéo mũi trâu đi trước. Phía sau, anh quật túi bụi nó sẽ phải bước.”

Con trâu chẳng biết có phải sợ Phình không mà Khen vừa kéo chạc nó dã ngoan ngoãn đi nối vào đoàn. Nhưng ở giữa rừng trâu lì cũng chẳng đáng sợ bằng muỗi vắt, ong đốt, rắn cắn xảy ra như cơm bữa. Có ngày, một phần ba số người và trâu bị ốm. Lúc này, kinh nghiệm đi rừng của đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Các thợ rừng nhanh chóng tìm những loại lá cây quen thuộc làm thuốc chữa bệnh cho người và vật.

*

*        *

Khi đoàn dân công đặc biệt tập kết bên bờ sông Đà chuẩn bị qua sông, chợt máy bay ập đến. Suốt đêm, lũ quạ sắt thay nhau quần đảo ném bom, bắn phá khu vực bến phà. Tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng súng xé toạc bầu trời. Đàn trâu hoảng loạn bứt chạc lồng lên lao xuống sông. Đại đội trưởng công binh phụ trách bến phà tên Vũ Đương dẫn quân lao ra chặn đầu đàn trâu, đuổi chúng quay lại rừng. Ánh chớp loé lên, mặt đất rung chuyển. Trong khói bom mù mịt, Vũ Đương nằm mê man, một cánh tay bị phạt lìa.

Giọng ai đó khản đặc ra lệnh:

“Khẩn trương đưa những người bị thương đến trạm quân y và tổ chức thu gom trâu.”

Thâu đêm, Phình và Khen mỗi đứa một đầu cáng khênh người bị thương về trạm quân y. Vừa quay về đơn vị, mồ hôi đầm đìa trên mặt, hai đứa lại tất tả cùng anh chị em dân công chia nhau lùng sục khắp các ngả rừng thu gom đàn trâu bị thất lạc. Tìm nát cánh rừng vẫn thiếu hai con. Mệt quá Phình, Khen và Lê Phan đành phải tìm hang đá chui vào đốt lửa sưởi xua thú dữ lẫn tranh thủ chợp mắt đôi chút.

Sáng sớm hôm sau Lê Phan mở mắt, lửa đã tắt ngấm từ khi nào, cái lạnh thấu xương cắt vào da thịt đã đánh thức anh dậy. Trời mới mờ mờ sáng ngoài cửa hang, tiếng chim rừng ríu rít khắp nơi. Màn sương mờ trắng đục phủ kín khu rừng. Mùi cây cỏ mát rượi, tiếng chim líu lo. Cánh rừng bên cạnh bỗng vang tiếng mõ trâu quen thuộc, mấy người vội ùa ra. Đôi vợ chồng người Mèo dắt trâu đi tìm đội dân công. Lưng áo họ ướt đẫm mồ hôi:

“Đêm qua, máy bay nó bắn dữ quá, trâu của dân công lạc vào đàn trâu nhà ta. Sáng nay lùa trâu đi chăn mới biết, ta mang trâu trả cho dân công.”

Chị vợ tháo quẩy tẩu chất đầy dưa, rau cải nương đeo sau lưng cho Khen:

“Dân công ăn nhiều rau rừng mệt lắm đấy, ta cho một ít rau dưa ăn đỡ xót ruột. Ôi, em gái dân công xinh thế, trai Mèo nhìn thấy mê tít, nó rình bắt về làm vợ đấy.”

Thẹn thò, mặt Khen đỏ bừng chỉ biết lắp bắp thay mặt đoàn dân công cảm ơn…

Tìm được đàn trâu dồn về một chỗ cũng là lúc lũ suối dâng cao, đoàn dân công phải chặt cây dựng lán giữa rừng già. Nửa đêm, mọi người đang say giấc bỗng con Đốm tru lên quãng dài, ánh mắt khiếp đảm, rít ư ử rúc vào trong lán. Đàn trâu hoảng sợ run rẩy nép mình vào nhau. Sinh nghi, ông Tung đi vòng quanh dò động tĩnh. Ngửi thấy mùi hôi hám khó chịu, ông chạy vào lán hô to:

“Anh em ơi! Dậy ngay, hổ dữ về bắt trâu.”

Lê Phan bật dậy, cầm súng chạy ra ngoài:

“Mọi người dậy cả đi, đốt lửa đánh động đuổi thú dữ.”

Cả đoàn ùa dậy, hối hả đốt lửa, gõ nồi liên hồi. Con hổ đói dường như đã ngửi thấy hơi người, hơi trâu, nó gầm lên, phả ra hơi thở khê nồng, khăm khẳm. Lửa cháy phừng phừng, tiếng gõ dồn dập.

“Soạt…”

Con hổ nhận thấy không chọi được lũ người có cả súng ống bèn nhảy vào màn đêm mất dạng. Mọi người thở phào, từ đấy cho đến sáng chẳng ai còn ngủ được nữa.

 

Minh họa: Lê Anh Vân

Càng đến gần mặt trận yêu cầu bảo đảm an toàn bí mật càng được nâng cao. Việc đun nấu, dựng lán, buộc trâu, cắt cỏ phải ngụy trang kĩ không để cho máy bay địch phát hiện.

Đường hành quân của đoàn dân công đặc biệt qua đèo Pha Đin. Một đèo cao, cheo leo hiểm trở, thường xuyên bị máy bay địch nhòm ngó, bắn phá, hòng cản bước tiến của quân ta. Không thể đưa đàn trâu nghênh ngang vượt đèo, bộ phận tiền trạm được giao nhiệm vụ tìm đường cho trâu đi luồn dưới đáy vực. Nghiên cứu địa hình thực tế, đội trinh sát quay về với những khuôn mặt tái nhợt. Một ngày dài len lỏi giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay, giữa những đồi núi cheo leo và vực sâu thăm thẳm khiến mọi người mệt lả, đói ngấu. Trong lúc xuyên rừng, do mải mê quan sát Hoàng Sang sơ sẩy đạp trúng bẫy thú. May thay cái bẫy kẹp đã cũ và mục rã nên chỉ bị xây xát nhẹ. Mặt buồn thiu, Hoàng Sang trở về thông báo:

“Người đi không lên xuống vực đã khó, dắt trâu càng khó hơn. Đặc biệt, dưới đáy vực có nhiều bãi đá tai mèo nhọn sắc nối tiếp nhau dài khoảng tám trăm mét, trâu không đi qua được.”

Lê Phan gập người xoay ngang xoay dọc tấm bản đồ. Chợt giọng anh chùng xuống:

“Các đồng chí nghiên cứu có thể xẻ đất đá ở ta luy dương làm các cua tay áo cho đàn trâu đi men theo sườn núi được không?”

Đôi mắt xếch lóe lên, Hoàng Sang quả quyết:

“Thế mà không nghĩ ra, chúng ta có thể xẻ đất đá làm đường vòng men theo sườn núi dắt trâu lên xuống vực. Đoạn qua bãi đá tai mèo dưới đáy vực chúng tôi sẽ tìm cách khắc phục.”

“Mai tôi sẽ đi thị sát cùng. Chúng ta đi chiến trường đã gần hai tháng, chôn chân ở cánh rừng này để trâu gầy, trâu chết trong khi bộ đội thiếu thức ăn là có tội. Thời gian gấp lắm rồi, khó mấy cũng phải tìm cách giải quyết.”

Sớm hôm sau, mặt trời nhô cao rọi những tia nắng vàng xuyên xuống những tán rừng cây dày đặc lá. Lê Phan, Hoàng Sang cùng anh em quăng dây, đu người vượt vách đá quan sát. Nhìn bãi đá tai mèo ngoằn ngoèo dưới đáy vực, bụng Lê Phan nóng như lửa đốt. Quanh đèo nham nhở hố bom, cây cối đổ gục. Bất chợt Hoàng Sang vỗ đùi reo to:

“Có cách rồi, ta xếp đá, chặt những cây đổ kia, bắc cầu cho đàn trâu đi trên bãi đá tai mèo.”

Cái khó ló cái khôn, kệ máy bay địch ngày đêm vè vè bay lượn trên đầu soi mói, rình rập, anh chị em dân công bí mật luồn rừng đào đất, chặt cây, bắc cầu cạn cho đàn trâu đi qua. Mọi người thận trọng dắt đàn trâu tiến vào khu vực cửa ngõ mặt trận. Con Đốm lăng quăng chạy bên cạnh ông Tung. Chợt nó vểnh tai, sủa inh ỏi. Trên trời, máy bay trinh sát vè vè lao đến. Pháo sáng rực bìa rừng. Lóa mắt, đàn trâu hoảng loạn chạy lung tung.

Săn được mục tiêu, mấy chiếc B-26 nối tiếp nhau bổ nhào ném bom bắn phá. Mặt đất mù mịt khói bom, tiếng nổ inh tai nhức óc. Bốn dân công hi sinh, hai người bị thương. Ông Tung chết nhưng mắt vẫn mở trừng trừng, tay nắm chiếc tù và. Ánh mắt buồn bã, rũ lông xơ xác, con Đốm cắn vào vạt áo chủ giật mãi không thôi. Ngay trong đêm đoàn tổ chức lễ truy điệu. Trước mộ đồng đội, anh chị em nghẹn ngào nắm tay nhau, hứa hoàn thành nhiệm vụ thay những người đã khuất. Con Đốm ủ rũ gục đầu bên mộ chủ, mắt ậng nước, hai chân trước cào cào lên nấm mộ, tiếng sủa tắc nghẹn đau đớn...

*

*         *

Đêm. Gió thổi mạnh. Tiếng nước từ núi cao đổ xuống ào ào. Lê Phan bất chợt tỉnh giấc. Người nằm bên tiếng ngáy ầm ầm như xay lúa. Anh ngồi dậy châm đèn, mở xà cột lúi húi ghi chép. Bên ngoài chợt có ánh đèn pin loang loáng, Hoàng Sang bước vào, người ướt đẫm sương đêm:

“Chập tối tôi làm việc với quân nhu mặt trận. Dạo này bị quân ta thít chặt vòng vây, địch điên cuồng chống trả, các ngả đường tiếp tế lương thực, thực phẩm gặp khó khăn. Biết tin chúng ta đưa một trăm hai hai con trâu béo khỏe đến các đồng chí ấy phấn khởi lắm.”

Nghe thế Lê Phan đứng phắt dậy, nắm tay Hoàng Sang hồ hởi:

“Đồng chí có làm việc cụ thể với quân nhu mặt trận về thời gian, địa điểm bàn giao?”

“Thời gian tối mai, địa điểm bìa rừng phía tây!”

Tối muộn, đoàn dân công hoàn tất thủ tục bàn giao đàn trâu. Anh cán bộ quân nhu ôm chặt từng người trong đoàn, nhắc đi nhắc lại “Món quà vô giá này sẽ giúp bộ đội ăn no đánh thắng các đồng chí ạ!”

Lúc ấy Lê Phan, Hoàng Sang chẳng ai bảo ai cùng nhìn lại phía sau.

Họ đang nghĩ đến chuyến hàng sắp tới chuyển ra mặt trận...

M.T.S

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)