Đỉnh kinh

Thứ Ba, 30/04/2024 00:26

. BÙI TUẤN MINH
 

1.

Cụ Lịu 85 tuổi, không biết chữ nhưng thuộc rất nhiều bài kinh Phật.

Tiếng kinh ri rỉ đêm ngày. Bao nhiêu năm nay, bà Len đã nghe âm thanh ấy từ phòng ngủ mẹ chồng vọng ra. Vui thì tiếng kinh lọt lỗ tai, không vui, tiếng kinh rền rĩ khó chịu.

Hồi mới về làm dâu, bà Len từng phàn nàn với chồng về việc mù chữ của mẹ, nhất là khi ông Sửu lên cấp trưởng một vụ lớn. Bà Len cất công thuê người đến dạy chữ, nhưng mẹ chồng phản đối, tưởng mẹ ngại ngùng xấu hổ, bà mua sách vở định trực tiếp dạy. Nhưng thuyết phục thế nào, mẹ chồng cũng không chịu học.

Minh họa: Hải Kiên

“Thế thì chết mẹ ơi.”

“Chả ai mù chữ mà chết cả.”

Hết nước hết cái, bà Len chuyển sang chì chiết chồng:

“Người ta mà biết mẹ của vụ trưởng mù chữ thì đẹp mặt.”

Ông Sửu chỉ ậm ờ cho qua, nhưng quả thật, cho đến giờ ông vẫn thắc mắc, phong trào bình dân học vụ ngày xưa đã bỏ quên hay mẹ cam tâm làm một người mù chữ. Trong ký ức của ông, loáng thoáng hình ảnh người đàn bà dắt con ra ngồi gốc cây gạo trước làng. Cây gạo xù xì, già nua lầm lũi đứng đó bao đời nay, minh chứng cho sự cô đơn vĩ đại. Đứa con hỏi, mẹ bảo ngồi đợi cha. Đứa con lại hỏi, cha mình là ai, người mẹ ôm vào lòng vỗ về, mắt rơm rớm không trả lời. Có lần theo mẹ ra ngóng cha, đứa con chạy theo lũ trẻ nô đùa, mải mê tới tận triền sông Đáy cho tới khi người đã nhễ nhại, đầm đìa, giật mình quay lại, mẹ vẫn ngồi đó, đôi mắt mênh mông, thao thiết như dòng sông. Xung quanh, lặng lẽ rơi những bông hoa màu máu.

Giặc Pháp càn về, mẹ gửi ông lên nhà người họ hàng muộn con trên thành phố, nhận họ là cha mẹ nuôi để tiện ăn học, quan trọng hơn, tránh vùng bom đạn. Có lần ông về thăm mẹ, làng quê tiêu điều giặc phá, họ bảo mẹ ông vào du kích, giặc quần dạt mãi đâu tới tận mạn Hòa Bình. Cây gạo còn đó, chi chít vết đạn găm. Hết chiến tranh, mẹ ông bất ngờ xuất hiện ở nhà cha mẹ nuôi. Mẹ con gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Trong thời gian đó, ngày nào mẹ cũng dắt ông đến một con phố nhỏ, đứng rất lâu trước căn nhà hai tầng nơi đầu phố. Mẹ bảo cha từng ở đây. Ông hỏi cha bây giờ ở đâu, mẹ lắc đầu không biết.

Thăm ông ít ngày, mẹ về quê. Ông ở lại thành phố với cha mẹ nuôi cho đến khi họ mất. Mẹ không về lại ngôi nhà cũ ở làng mà ở trong ngôi chùa Hàm Long trên dãy núi Trầy gần đó, làm những việc lặt vặt và sống nhờ lộc Phật. Mỗi năm ông cũng dành thời gian tranh thủ về thăm mẹ đôi lần, khi thấy mẹ tay lần tràng hạt, tay gõ mõ miệng tụng kinh như người nhà Phật, ông ngạc nhiên hỏi mẹ học chữ từ khi nào, mẹ bảo nghe nhiều thành quen, ngày nào không tụng, miệng buồn tâm rối không chịu được, chỉ như thế, mẹ mới thấy nhẹ nhàng, thanh thản.

“Cho con được đón mẹ về mong báo đáp, dưỡng dục công sinh thành, để mẹ nơi này con áy náy và biết ăn nói thế nào với thiên hạ”, dịp đầu xuân ông ngỏ ý định đưa mẹ lên thành phố để phụng dưỡng, bà nhất quyết không đi, đến khi phải nhờ cậy sư thầy nói khéo và ông thống thiết cầu xin, bà mới miễn cưỡng gật đầu.

“Mẹ chỉ sống với anh một thời gian, rồi anh cho mẹ về đây, chết ở đây.”

Trước khi đi, mắt bà trĩu nặng, hết ngước nhìn Tam Bảo, lại ngóng về khoảng trời xa xăm, dõi theo hướng ấy, ông thấy trong tầm mắt mình là ngôi làng, con sông và cả cây gạo gầy lay lắt đỏ.

 

2.

Dạo này, ông Sửu hay đi công tác xa, bà Len thường xuyên về nhà muộn, có khi người sặc mùi rượu, đám bạn kéo bà tham gia lớp khiêu vũ, nhảy đầm, bởi thứ nghệ thuật ấy làm tâm hồn bà phơi phới lên. Một tối, khi chiếc taxi trở bà Len vừa về tới nhà, cơn mưa rào đầu mùa lộp bộp rơi rồi trút ào ào, chạy vào trong nhà bà vẫn nghe thấy chúng đuổi theo như tiếng gõ xuống sàn của hàng trăm chiếc gậy. Bà vội đóng cửa. Tự nhiên, bà cảm thấy mình bị đe doạ bởi cơn mưa. Bà giật mình cúi đầu xuống khìn khịt ngửi kiểm tra mùi đàn ông có còn sót lại trên cơ thể mình không. Trấn tĩnh, bước cầu thang lên phòng, tới tầng hai, bà thẫn người khi nghe thấy tiếng tụng kinh. Thanh âm rõ dần, tràn khắp nhà, thấu qua gan, phổi, khiến bàn tay đang nắm cửa run run. Bà tò mò chầm chậm bước lên tầng ba, nơi có căn phòng của mẹ chồng, nơi tiếng kinh hòa trong tiếng mõ mỗi lúc mỗi rõ vang ra từ đó. …Chúng con đánh mất tâm chân/ Bao đời trôi nổi biển sầu sông mê/ Thấy đâu lối thoát đường về/ Bập bềnh sóng nước trầm mê cõi trần. Nhìn qua cánh cửa phòng khép hờ, khuôn mặt bà Len bỗng biến sắc, bà rùng mình, miệng ú ớ chạy xuống phòng.

Hôm sau, bà Len gọi chị giúp việc làm bán thời gian đến sớm, khi tiếng chị ta í ới bà mới bước ra khỏi phòng với đôi mắt thâm quầng. “Bà bỏ bữa không ăn chị ạ”, giọng chị rười rượi buồn khi mang cơm từ phòng xuống. Lại nghe thấy tiếng kinh, bà liền kéo chị ta lên cùng, thấy mẹ chồng ngồi trên giường, tay lần tràng hạt, trông chẳng có gì là mệt mỏi, đau ốm, khuôn mặt hồng hào, không đỏ màu gấc thánh thần như đêm qua, chả lẽ bà đã bị thứ âm thanh đó thôi miên hay do men rượu còn trong người khiến đầu óc mụ mị, bà chợt nghĩ và trấn tĩnh mình.

“Kinh thì phải lên chùa, đọc ở nhà Phật nào chứng giám hở mẹ”. Bà thắc mắc, nhưng mẹ chồng không quan tâm, giữa hai mẹ con luôn có một khoảng cách vời vợi. Cụ Lịu không bao giờ tỏ thái độ khi giao tiếp với con dâu, còn bà Len vẫn coi mẹ chồng có cũng như không, nhưng luôn cảm giác việc gì của gia đình này mẹ chồng cũng biết.

…Chúng con đánh mất tâm chân/ Bao đời trôi nổi biển sầu sông mê/ Thấy đâu lối thoát đường về/ Bập bềnh sóng nước trầm mê cõi trần.

Đọc lời kinh, miệng cụ Lịu đều đều mấp máy, bà Len thấy khuôn miệng mẹ chỉ hé mở, nhưng câu nào cũng tròn vành, rõ chữ, đọc không bị líu, nghe không lẫn.

“Kinh gì mà nghe như bói Kiều vậy?”

“Đó là kinh sám hối nhà chị ạ.”

“Mẹ đã làm gì để giờ phải sám hối?”

Cụ Lịu dừng lại, đôi mắt nhìn con dâu không chút biểu cảm.

“Con người đời đời kiếp kiếp trầm luân trong bể khổ lục đạo bởi vọng tưởng, luôn phân biệt, chấp trước, tham, sân, si. Tất cả mọi người không ai là không có lỗi lầm dù vô tình hay cố ý, nên cần biết nhận ra lỗi lầm của mình đã phạm phải và biết sám hối”.

Mù chữ mà triết lí gớm, bà nghĩ rồi buột miệng như nói với chính mình. “Con chẳng có lỗi gì cả”. Thừ người một lúc, bà đi xuống phòng riêng, nằm vật ra giường. Bà nhớ cái cảm giác bung biêng khi trong quán bar với bạn nhảy, ở đó đâu chỉ có đám thanh niên trẻ, có đủ thứ người, từ lũ mới lớn đến đám trung niên, bình thường tai bà chả chịu nổi thứ âm thanh kinh khủng như muốn xé nát màng nhĩ, thế mà rượu vào, bàn tay gã bạn nhảy vuốt ve khiến bà hừng hực quên cả tuổi tác, cái cảm giác đụng chạm, kích thích ấy vốn đã chết khi ở bên cạnh chồng bỗng trỗi dậy... Cứ thế này mà sống đến chết sao? Bà chép miệng, nghĩ miên man rồi thiếp đi.

Minh họa: Hải Kiên

3.

… Khi thì hợp, khi thì tan/ Lúc say quyền quý, lúc chan tủi sầu.

… Người đời gắng gượng tìm vui/ Trò chơi hư ảo chôn vùi tâm linh.

Lời kinh vừa dứt, gió khẽ lùa vào căn phòng, từ từ mở toang cánh cửa sổ khép hờ, cụ Lịu ngồi đó, trầm ngâm nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh sáng và tiếng chim lanh lảnh tràn ngập trong ban mai tinh khiết của đất trời. Thanh sạch, cao sang, không có sự dối trá. Mắt cụ đỏ hoe, những lúc thế này, cụ hay nghĩ về quãng thời gian hiếm hoi bên cạnh người chồng… Bất giác, một nụ cười xuất hiện trên môi cụ.

Ngày ấy, cô Lịu vui mừng khôn xiết khi thấy chồng xuất hiện ở cửa, bởi cưới xong cậu đi biệt tích, chẳng ai biết đi đâu làm gì.

“Đây, mợ ký đi”, cậu đặt tờ giấy trước mặt Lịu.

“Nhưng em không biết chữ.”

“Thì điểm chỉ vào, tay mợ khéo thế kia, kiểu gì viết chữ cũng đẹp, sau này tôi sẽ dạy mợ viết”.

Lịu đưa lại mảnh giấy cho chồng, với cô, nó chẳng ý nghĩa gì cả. Trong suy nghĩ của cô, cậu là một người khác hẳn với đám trai trong làng. Nó toát ra từ phong thái đến hành động của cậu. Cô luôn có cảm giác, cậu là người chu toàn, tình cảm, dù bên ngoài luôn tỏ vẻ khó bảo, cục cằn. Cô vốn là con ở trong gia đình cậu từ nhỏ, học xong bậc trung học cậu lên thành phố học trường nội trú, chẳng mấy khi về nhà, chưa xong tú tài cậu bị đuổi học, nghe bảo cậu liên quan đến mấy tổ chức chính trị nào đó. Ông bà vội sắp xếp cho cậu lấy vợ nhưng cậu không đồng ý ai, cuối cùng họ gọi Lịu đến. “Ông bà quyết định gả con cho cậu, con nhớ chịu khó chăm lo cho cái nhà này, cho có đứa cháu để nối dõi tông đường”. Đám cưới chỉ có người trong gia đình, cậu về vội vã, buổi trưa cưới xong định chiều đi luôn, nhưng bố mẹ bắt cậu ở nhà đến hôm sau. Đêm tân hôn ấy Lịu thành đàn bà. Mang tiếng là dâu nhưng Lịu vẫn làm chẳng khác gì người ở, ngày ngày quần quật tối mắt tối mũi, nhất là việc chăm hai bố mẹ chồng đã già yếu.

“Từ giờ tôi với mợ không còn là vợ chồng, mai tôi mang tờ giấy này ra sở nữa là xong, ai hỏi gì về tôi, mợ cứ đưa tờ này ra, bảo không còn liên quan gì đến tôi.”

“Sao người ta lại hỏi?”

“Tôi làm thế này để tránh liên luỵ đến mợ.”

“Em đã là vợ của cậu, sống chết cũng làm ma nhà này, cậu nói thế khác gì em là người dưng nước lã.”

“Nếu gặp tôi cũng đừng tỏ ra quen biết”, cậu dứt khoát và đi vào mờ sáng.

Lịu chẳng thế ngờ được con đường cậu lựa chọn lại hiểm nguy đến thế, trong lòng cô chỉ coi cậu là chồng, cô đã dò hỏi, đi tìm cậu bất kể ngày đêm. Cho đến một ngày chiều ngả bóng, giông kéo đến, màu đen kìn kịt trùm xuống từ bầu trời. Sấm nổi, chớp đan lưới chụp lên con phố nhỏ, người người đôn đáo, tất tả chạy. Mưa rào rào trút nước, khổ nhất là đám phu xe, cứ trần trũi giống lũ chuột cống ướt nhoẹt chạy trên đường, con phố chả mấy chốc trở nên vắng ngắt. Lịu kéo hai quang gánh hoa cúc đã tả tơi vào dịch dưới hiên một căn nhà, mái hiên thòi ra cỡ một viên ngói, nên nước cứ chảy xối xả xuống mái đầu và đống hoa, cô bất lực nhìn những cánh hoa lìa cành vương vãi khắp dưới chân, chúng chảy theo dòng nước tràn xuống lòng đường. Nhìn hoa chạnh lòng thương xót, phận hoa như phận đàn bà, mắt cô lại hướng vào màn mưa dày đặc dõi về ngôi nhà hai tầng phía đối diện, những người canh gác đã đi vào trong phía sau cánh cổng đóng chặt. Có người ở làng nói đã nhìn thấy cậu ở đây, chỉ thông tin ít ỏi đó thôi, cô khăn gói lên đường. Cô đã ở đây hai ngày nay, người ấy ở trong đó, cô dám chắc với mình thế, cái kiểu đi ấy không lẫn vào đâu được, chiều qua cô đã theo, khi người ấy đi ra từ cái cánh cổng kia, dáng đi vội vã, tất tả, giá như cô có thể gọi tên, nhưng sao lúc đó miệng cô cứ ú ớ không cất được thành lời. Mấy ai đủ thông minh để biết phải làm gì sáng suốt khi ở trạng thái bấn loạn ấy. Lời không nói nhưng bàn chân lại bước theo, lý trí và tâm hồn cô cứ thế bị một bóng hình dẫn đi đến một ngách nhỏ trong một con phố nhỏ, tới đó thì mất dấu, cô ngơ ngác tới lui, cảm giác như vừa vuột mất một điều mơ hồ vừa quen vừa lạ.

Chiều nay ngóng đợi, cô nghĩ nếu không vướng cơn mưa thì cũng bằng giờ này hôm qua người ấy đã đi ra, người cô lúc này đã ướt sũng từ đầu đến chân, chiếc áo nâu ngấm nước đã chuyển sang màu thẫm đặc, thâm cả đôi môi hồng con gái. Đêm xuống, mưa bớt nặng hạt, phố vắng hoe, thi thoảng ánh sáng từ đèn ô tô đi tuần của lính Pháp vọt qua, chẳng ai để ý đến một cô gái co ro bên gánh hoa dưới hiên nhà ven đường.

Chiếc cổng hé mở, một người bước ra, trời đã tạnh nhưng đường vẫn lõng bõng nước, người đàn ông bước vội, bàn chân dẫm lên cả những cánh hoa trôi dạt. Cô gái vội vã gánh hoa bước theo người đàn ông, rẽ vào con phố nhỏ, một đoạn lại rẽ vào ngõ nhỏ hơn. Trời tối om om, đi đến chỗ hôm qua cô lại mất dấu, phía trước lối đi đen kịt không thấy đường, chỉ nghe tiếng lục lạc từ những chiếc xe kéo ngoài phố vọng vào. Trong nỗi hoang mang, cô gái liều lĩnh dấn thêm vài bước, bất ngờ một họng súng lạnh toát dí vào thái dương, bóng người bước ra, cô gái run rẩy nhìn vào đôi mắt đối diện rồi đổ xuống.

Trong căn phòng nhờ nhợ thứ ánh sáng vàng nhạt, cô mơ hồ giữa tỉnh mê, có ai đó chạm tay vào ngực mình cởi từng cúc áo, da thịt bừng bừng nóng dần lên, cô nhận thức mình đang trần trụi, loã lồ, một cảm giác bất lực xâm chiếm và rồi cô lại thiếp đi. Nửa đêm tỉnh lại, trên người cô là bộ quần áo nam giới, cạnh đó bát cháo còn nóng hổi bốc lên thơm nức, miệng đắng ngắt, cô gượng gạo ngồi dậy.

“Mợ bị cảm lạnh do ngấm nước mưa. Tôi đã thay áo và đánh gió cho mợ, ăn bát cháo nóng này sẽ khỏi”, nghe thấy tiếng chồng, nước mắt Lịu lã chã rơi “cậu ơi…”, cậu bước tới, đỡ Lịu ngồi dậy, tay bưng bát cháo nhè nhẹ thổi.

“Tôi đã bảo mợ không được đi tìm tôi, sao mợ còn lên đây?”

“Mẹ ốm nặng, không có cách nào liên hệ được với cậu, mẹ bảo em đi tìm cậu về, nhỡ may…”, cô thều thào giải thích.

Mặt cậu lạnh tanh, đôi mắt đăm chiêu không hiểu cậu đang nghĩ gì, đắn đo một lúc, cậu bảo, hiện chưa về được lúc này. Đêm ấy, có người đến tìm, cậu vội vã đi cùng, không quên giắt khẩu súng theo, dặn cô nghỉ ngơi rồi mai về luôn, ở đây lâu không tiện. Lịu ở lại phòng, lòng bồn chồn lo lắng, thi thoảng cô nghe thấy tiếng súng vọng đến mà người giật lên thon thót. Thời gian trôi chầm chậm trong căn phòng u tịch, đám chuột lâu nhâu đuổi nhau trên mái ngói. Chờ mãi rồi cũng đến sáng, cô mở cửa sổ ngóng ra. Dường như căn phòng chưa bao giờ được đón nắng, chỉ có bụi và mùi ẩm mốc. Cô phải đợi cậu về, cô muốn nói cho cậu biết về cái thai đang lớn dần.

Đến tối, cậu trở về, vội vã đóng cái cửa sổ đang mở ngay khi bước vào nhà mà không quan tâm mấy đến việc cô còn ở lại đây. Cậu liên tục ngó qua khe cửa như kiểm tra xem có ai theo dõi. Hết đứng lại ngồi, tâm trạng bất an, lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt. Cô không dám cất lời, ngồi thu lu trên giường, nồi cơm cùng đĩa cá khô cô nấu đã lạnh ngắt, chẳng ai có lòng dạ nào cầm đũa. Thi thoảng cô bắt gặp ánh mắt của cậu nhìn cô, chúng bừng sáng lên rồi trĩu xuống, cô nghĩ những người có học, họ thường che đậy rất khéo cảm xúc, mù chữ như cô làm sao hiểu được. Cô chấp nhận không gian lặng im đáng sợ ấy trong sự hồi hộp, lo lắng, cho đến khi dần thiếp đi.

“Nếu mai tôi không trở ra từ ngôi nhà ấy, tôi cần mợ giúp một việc”, cô giật mình thấy cậu đang nói chậm rãi như để cô nhớ từng từ một.

“Sao lại vậy, hay bây giờ cậu về với mẹ và…”, cô dừng lại khi định nói thêm lý do khiến cô ở lại đến giờ, nhưng chợt nghĩ không muốn làm cậu lo lắng thêm.

“Con người chỉ quyết định được việc họ làm chứ không quyết định được số phận, nếu tôi còn sống, tôi nhất định sẽ trở về gặp mẹ và mợ ngay”. Cậu lấy ra trong túi một tờ giấy gấp nhỏ dúi vào tay Lịu, ánh mắt đầy hy vọng, khẩn thiết dặn đi dặn lại đem tờ giấy này đưa đến địa chỉ này, gặp người này… “Rồi mợ trở về quê ngay, nhất định không được ở lại đây, tôi đang bị theo dõi, chỉ có thể đi lại giữa nơi này và ngôi nhà đó mà không thể đi đến chỗ khác, nhớ kĩ đấy”. Cậu dặn cô chỉ ra khỏi nhà khi cậu đã đi được một lúc.

Cô ôm chầm lấy cậu, rưng rức khóc.

Ngay buổi trưa, cô tìm đến chỗ cậu dặn, những người ở đó mừng rỡ khi đọc nội dung trên tờ giấy, họ hỏi tình hình của cậu.

Mãi đến sau này cô mới biết tờ giấy đó là nội dung tuyên truyền chống phá chính quyền Việt Minh do bọn Quốc dân Đảng in ấn tại ngôi nhà hai tầng. Việt Minh cần tờ giấy như một chứng cứ quan trọng để xin lệnh khám xét của Chính phủ. Ngay đêm hôm đó, đám Đại Việt và Quốc dân Đảng cấu kết với nhau chống phá chính quyền cách mạng đã bị bắt, âm mưu khủng bố ném lựu đạn vào đám lính Pháp rồi vu khống cho Việt Minh cũng bị dập tắt.

Lịu trở về quê, đứa con được sinh ra đặt tên là Sửu. Nhưng cũng từ đó chẳng bao giờ cô còn nghe tin tức gì về cậu, người thì bảo cậu là thành viên Quốc dân Đảng, chỗ khác nói cậu là Việt Minh, lại có người kể thấy cậu chiến đấu trong đợt toàn quốc kháng chiến và hy sinh trong trận đánh tại chợ Đồng Xuân.

 

4.

Hai vợ chồng bà Len cãi nhau khi chuyện lẳng lơ của bà bên ngoài đến tai ông Sửu. Sau cuộc cãi vã, bà Len rưng rức khóc. Cụ Lịu trên phòng bước xuống nhìn con dâu và con trai, đôi mắt thẳm sâu như mắt Phật trên chùa. Đôi mắt chùng xuống sau tiếng thở ra như ngầm ý, quay đầu là bờ. Bắt gặp đôi mắt ấy, ông Sửu thấy lòng mình dịu đi. Bà Len lén nhìn đi chỗ khác.

“Mai anh chị cho tôi về lại núi”.

 

5.

Trong tiếng chuông chùa âm vọng giữa thinh không, khuôn mặt cụ Lịu bừng lên sáng rỡ. Vậy là từ giờ cụ có thể nhắm mắt được rồi. Sau không biết bao nhiêu công sức tìm kiếm, gặp hết người nọ người kia, cuối cùng, con trai cụ cũng đã minh bạch được những gì trước đây còn chưa rõ ràng về cha mình. Hóa ra, cậu vốn là thành viên đảng Đại Việt, có quan điểm liên minh các đảng phái cùng nhau chống Pháp, nên đã kiên quyết phản đối âm mưu phá hoại, vu khống cho Việt Minh để tiếm quyền. Ông bí mật rời bỏ hàng ngũ Đại Việt sau khi đã được những người Việt Minh cảm hoá. Sau một nhiệm vụ quan trọng, ông bị lộ và bị chúng thủ tiêu.

Cụ Lịu run run cầm tấm bằng “Tổ quốc ghi công”, hai hàng nước mắt giàn giụa. Cụ mơ hồ thấy một luồng ánh sáng bảy sắc cầu vồng chập chờn rồi hiện rõ nối từ chùa Hàm Long lên đỉnh trời phía tây. Trên đó, cậu đang đứng nhoẻn miệng cười, hai tay dang ra. Phía chân luồng sáng, cô Lịu đang bay về phía cậu.

B.T.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)